Để đáp ứng được ba tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ làng Vác phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng. Tre, trúc nguyên liệu phải là loại tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng.
Làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, được mọi người biết đến là nơi có truyền thống làm lồng chim.
Nghề làm lồng chim ở làng Vác đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao với thu nhập của mỗi hộ trung bình đạt 5-10 triệu đồng/tháng. Cả xã có bốn làng là Canh Hoạch, Vũ Lăng, Tiên Lữ, Phú Thọ với 2.340 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ làm lồng chim. Trong đó, Canh Hoạch là phát triển nhất với hơn 100 hộ làm lồng chim.
Dựng lồng chim đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối từ những người thợ
Hình ảnh phơi tre luôn được thấy ở khắp mọi nơi trong làng Vác
Nghề làm lồng chim ở làng Vác đã có từ lâu đời, theo lối cha truyền con nối. Cho đến nay, dân làng Vác vẫn còn tự hào mỗi khi kể lại chuyện lồng chim làng Vác đã từng đoạt huy chương tại các kỳ đấu xảo ở Hà Nội thời Pháp thuộc.
Để đáp ứng được ba tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ làng Vác phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng. Tre, trúc nguyên liệu phải là loại tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ là người đầu tiên phát minh ra những chiếc lồng đèn dựa trên chất liệu và những chiếc khung của chiếc lồng chim
Những chi tiết chạm, khảm nhỏ đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề cao
Chi tiết chiếc chân lồng được khảm theo kiểu “Tam Đa”
Sau đó sử dụng một loạt phương cách gia truyền từ ngâm tre, luộc tre, thậm chí là… nướng tre để cho ra những nan lồng đạt độ chuẩn về khả năng chống mối mọt... Ấy là chưa kể đến việc phải chuốt thế nào cho hàng trăm, hàng nghìn nan tre được tròn và thẳng tắp như nhau.
Tuy nhiên, như nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết, làm lồng chim không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở việc chạm đường viền cho các vanh lồng. Trên vanh lồng, những họa tiết rất nhỏ như một bài thơ chữ Hán; hình long, ly, quy, phượng; hình cây cỏ, hoa lá được chạm khắc một cách tinh xảo bằng vô số đường nét nhỏ tỉ mỉ và chính xác. Chỉ bằng một lưỡi dao rất nhỏ cùng với đôi tay tài hoa, người thợ làng Vác đã chạm khắc nên những chiếc vanh lồng đẹp như tranh vẽ.
Những công cụ để làm ra chiếc lồng đều được người dân tự tạo ra
Công cụ vót nan lồng tuy đơn sơ nhưng vô cùng hiệu quả
Một điều thú vị khác là người thợ làm lồng chim phải có kiến thức nhất định về hình dáng và tập tính sinh hoạt của từng loài chim để làm nên những chiếc lồng phù hợp cả về hình dáng lẫn kích thước.
Về làng Vác hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề. Những chiếc lồng chim có hoa văn chạm khắc tinh xảo của làng Vác theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước để phục vụ thú chơi chim cảnh tao nhã của người Việt.
Chi tiết của chiếc móc lồng chim
Một góc phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) được bày bán những sản phẩm lồng chim làng Vác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét