Không khí những ngày Hà Nội đầu đông không chỉ khiến người Hà Nội nôn nao mà còn háo hức với cả những ai ở phương xa tìm đến. Thời tiết khá phù hợp cho những chuyến dạo chơi và một địa điểm mới mẻ luôn là nơi được tìm kiếm. Làng Vác là một gợi ý thú vị.
Một nghệ nhân cao tuổi làng Vác bên chiếc lồng chim chạm trổ tinh xảo vừa hoàn tất. |
Truyền thống một làng nghề
Dù có thể không phải là người mê chơi hoạ mi, chào mào, khướu… nhưng chắc chắn bất kỳ ai cũng sẽ bị mê hoặc khi bước vào các sân nhà làng Vác. Còn với những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, trang trí hoặc nội thất, chắc ít ai cầm lòng mà không ngồi xuống ngắm nghía, vuốt ve những tác phẩm nghệ thuật được tạo hình từ bàn tay nghệ nhân làng. Chỉ là lồng chim, nhưng qua quá trình chạm trổ, uốn nắn tinh tế, sản phẩm truyền thống của ngôi làng chỉ cách trung tâm Hà Nội gần 30km đã được thổi hồn thành tác phẩm, vượt ra ngoài mục đích sử dụng ban đầu.
Lồng chim cu được đan hình trái đào, lồng hoạ mi dáng cao thẳng, lồng khướu tầm cao trung bình…, những quy tắc đó đã là dân chơi chim ai cũng biết, nhưng dưới bàn tay nghệ nhân làng Vác, mỗi lồng đều có hoạ tiết chạm trổ tinh xảo, xứng đáng để nuôi những chú chim quý hoặc đơn giản không nuôi chim mà dùng treo trong nhà, bày biện tại các không gian đô thị sang trọng. Vốn từ xa xưa, nghề làm lồng và làm quạt giấy rất phát triển tại Vác, và dân làng vẫn còn nhớ tới những chiếc lồng đã đoạt huy chương của các hội chợ đấu xảo Hà Nội thời Pháp thuộc, cũng như còn nhớ tới chiếc quạt nan tre cật, nan ngoài vót bằng sừng trâu được làng gửi tặng Cụ Hồ. Ký ức đó lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sự bền chắc của lồng Vác có thể mô tả đơn giản là lấy tấm ván đặt thật cân bằng lên trên chiếc lồng cỡ trung bình, sau đó một người đàn ông nhẹ nhàng ngồi khoanh chân trên tấm ván mà lồng vẫn nguyên vẹn. Chỉ là những nan tre vót nhỏ, nhưng phải là tre đực, ngâm tẩm kỹ, khi chuốt đều tay, trăm nan như một, vậy mới khiến lồng tròn đều, thẳng thắn, càng trải qua thời gian càng óng màu.
Dạo chơi làng Vác, đến bất kỳ ngôi nhà nào bạn cũng có thể bắt gặp những lồng chim kiểu dáng đa dạng. |
Nghề lắm công phu
Cũng theo lời miêu tả của người làng Vác, làm lồng không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở tay nghề tinh xảo chạm đường viền cho các vanh lồng. Chạm hoạ tiết cách điệu của chữ vạn, chữ thọ hoặc chữ nhật gấp khúc trên một mặt hẹp 0,5cm đòi hỏi tay nghề rất cao, chỉ chệch một đường dao là bao nhiêu công sức lại xuống sông xuống biển. Với những lồng chim được đặt hàng đặc biệt, nghệ nhân sẽ phải chạm đủ tứ quý long, ly, quy, phụng hoặc chữ Hán... vào các đường vanh bao tròn quanh lồng, chạm hình rồng trên cầu chim đậu, chạm đốt tre trên móc treo... Đa số những chiếc lồng đó sau khi rời Vác sẽ được chu du tới phương trời xa xôi nào đó, dùng để trang trí cho những không gian sang trọng. Tư duy của giới trang trí nội thất đã khiến Vác ngày nay là nơi cho ra đời những chiếc lồng rất lạ, có thể chỉ đường kính 40, 50cm nhưng cao tới 2m. Ngoài lồng chim, Vác còn là nơi cung ứng cho thị trường nội thất những chiếc đèn cốt tre phất giấy dó, giấy xốp mờ có ép lá tre ở giữa, với nguồn sáng dịu nhẹ toả ra sẽ tạo nên hoạ tiết rất quyến rũ.
Ngắm bàn tay nghệ nhân tỉa nét trên tre, cảm nhận vẻ đẹp của những sợi nan đều tăm tắp, khó ai cưỡng được ý định mua một vài chiếc về chơi. Chỉ chơi không đã sướng, chưa cần nghĩ tới việc tìm kiếm một chú chim có tiếng hót trong veo...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét