Nhưng cái tên được người ta thường dùng hơn cả là làng Vác. Đây là một vùng quê trù phú nổi tiếng từ bao đời nay về nghề làm đồ chơi đèn kéo quân cho trẻ em, làm quạt giấy.
|
Một gia đình hiếm hoi còn gắn bó với nghề làm quạt ở làng Vác |
Ngậm ngùi nghề quạt giấy
Ông Lưu Đình Tú, một người dân làng Vác cho biết: "Tôi chẳng biết chiếc quạt giấy ra đời từ thuở nào, nó được sự dụng rất lâu rồi, đó là vật dụng đã gắn bó và quá đỗi quen thuộc đối với người dân làng Vác". Đối với người dân làng Vác, chiếc quạt giấy không chỉ là vật dụng để "giải nhiệt", mang lại nguồn sống cho biết bao nhiêu người, không biết bao nhiêu thế hệ, mà còn chứa đựng trong đó nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Việt Nam.
Các bậc cao niên trong làng kể rằng, quạt giấy làng Vác xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, do một người tên là Mai Đức Siêu khởi nghiệp. Như vậy quạt làng Vác đã có tuổi đời trên 150 năm. Từ chỗ chỉ đơn lẻ một vài gia đình làm, đến cả làng theo nghề này. Từ đó người làng Vác coi Mai Đức Siêu là ông tổ nghề quạt giấy.
Trước đây, người thợ làng Vác chỉ sản xuất quạt cung cấp nhu cầu cho người dân lân cận. Lâu dần, quạt Vác đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngày xưa, quạt làng Vác đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Một chiếc quạt phải gốm 17 hoặc 18 chiếc nan được trang trí nhiều hoa văn và hình vẽ truyền thống như hoa sen, hoa cúc, hoặc lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh... những hoa văn đều đạt đến độ tinh xảo cao. Khi cầm quạt soi lên trời, ta sẽ nhìn thấy những hình vẽ hiện lên như một bức họa sống động như mây, rồng, phượng, tùng, trúc, cúc, mai... mà đường nét là những lỗ châm kim liền nhau, với kỹ thuật đạt tới độ chuẩn xác cao.
Những người thợ quạt làng Canh Hoạch mỗi khi ôn lại truyền thống nghề nghiệp của mình, bao giờ cũng nhắc đến sự kiện đáng nhớ: Vào năm 1946, dân làng Canh Hoạch cùng nhau làm một chiếc quạt biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm ngày sinh của Người. Đó là chiếc quạt thước - một loại quạt giấy dài một thước ta trên mặt quạt có châm kim hoa văn rất đẹp và hai bài thơ, trong đó có câu: "Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát/ Muỗi cỏ vo ve một phảy tan/ Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy/ Trước sau quét sạch lũ tham tàn".
Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Bây giờ, mấy ai còn theo nghề làm quạt, cái nghề cha ông để lại. Ông Tú giọng hơi buồn: "Đã có quạt điện, điều hòa, chiếc quạt làng tôi bền đẹp, nhiều gió thật đấy, nhưng làm sao so bì kịp". Ông cho biết những người làm quạt giấy ở làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và làm với số lượng rất hạn chế.
Theo tính toán của ông Tú, những người thợ theo nghề làm quạt giấy chỉ có thu nhập trên dưới một triệu đồng/ tháng. "Điều đó không đủ sức lôi kéo người dân gắn bó với nghề. Quạt làng Vác từ chỗ sản xuất ào ạt để sử dụng trong mùa hè thì giờ đây, nó được làm với số lượng ít chủ yếu trở thành mặt hàng lưu niệm mang bản sắc nông thôn Việt Nam mà thôi", ông Tú nói.
Tuy mỏi mắt kiếm tìm thợ làm quạt ở làng nhưng nhắc đến quạt Vác, nó vẫn được ví như "hồn vía" của làng, không đơn thuần chỉ làm mát mà nó là nhân chứng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Làng làm quạt có thưa dần người theo nghề nhưng vẫn còn đó lễ hội làng với nghi lễ rước quạt để tỏ lòng thành kính với người đã đưa nghề quạt giấy trở thành nghề truyền thống. Lễ hội được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm.
|
Nghề làm lồng chim đã làm đổi thay cuộc sống của người làng Vác |
Nghề làm lồng chim lên ngôi
Không còn mặn mà với quạt giấy, đời sống người làng Vác vẫn gắn bó với tre trúc. Cái nghề đã đem lại một diện mạo mới cho làng. Đó là nghề làm lồng chim.
Về làng Vác bây giờ, lồng chim được treo khắp mọi ngả đường thôn xóm. Trong cả cái vùng đậm đặc những làng nghề truyền thống, nhưng chỉ có làng Vác chuyên làm nghề lồng chim. Người làng bảo, nghề làm lồng chim mới thực sự rộ lên mấy năm trở lại đây. Từ nghề quạt chuyển sang làm lồng chim như một sự đổi thay cho phù hợp với cuộc sống đương đại.
Không thể thống kê hết bao nhiêu hộ gia đình làm lồng chim và có bao nhiêu chiếc lồng được xuất đi mỗi ngày. Nghề này cũng lắm công phu. Có lẽ sẵn có cái khéo léo tỉ mẫn của nghề làm quạt giấy để lại mà lồng chim làng Vác được khách chơi khắp cả nước ưa chuộng.
Trong số rất nhiều người làm lồng, anh Đào Văn Phúc ở xóm Nhà thờ được xem như một tay chuyên làm lồng đặt cho khách Vip. Tuy có "số má" trong giới làm lồng chim nhưng anh Phúc mới 38 tuổi và cũng chỉ gắn bó với nghề hơn chục năm. Không như các gia đình khác sản xuất lồng đại trà, anh Phúc chuyên làm lồng do khách đặt. Mọi ý tưởng đều do khách đề ra cho nên việc làm lồng là cả một quá trình sáng tạo không ngừng và đó thường là những tuyệt tác.
Anh Phúc cho biết, lồng chim do anh làm ra thường bán với tầm giá trên 4 triệu đồng, có nhiều mẫu trên chục triệu đồng. "Có những chiếc lồng cho họa mi lên tới vài chục triệu là chuyện thường", anh Phúc nói. Có những chiếc lồng phải làm cả tháng mới xong. Lồng chim của anh Phúc thường được đại gia chơi chim khắp nơi về tận nơi đặt làm. Thường thì anh không nhận hết được những đơn đặt hàng của khách.
Anh Phúc cho biết: "Mình theo nghiệp của cha để lại. Cả hai vợ chồng bỏ nghề nông để chuyên tâm làm nghề". Anh Phúc là một trong năm người con của ông Đào Đình Đóa, một nghệ nhân nổi tiếng làm lồng chim ở làng Vác. Hiện nay, người con trai cả của ông Đóa là anh Đào Văn Phúc cũng đưa nghề của ông cha vào thành phố Hồ Chí Minh gây dựng.
Mặc cho cái nắng chang chang oi nồng của những ngày chớm hạ, người làng Vác vẫn nhộn nhịp với những chuyến xe tải đi và đến. "Nghề làm lồng chim đã thực sự làm đổi thay cuộc sống người dân. Đa số dân tôi đều bỏ nghề làm ruộng. Một số cho người làng khác thuê lại để canh tác. Một số hộ thậm chí còn bỏ hoang ruộng đất. Họ tập trung mọi nguồn lực lao động cho việc sản xuất lồng chim. Còn nhớ thuở tôi mới lớn, thấy trong làng ngoài xóm chỗ nào cũng làm quạt giấy rất nhiều. Rồi cùng với quạt là làm giấy cung cấp cho làng Bình Đà làm pháo. Thế rồi theo sự đổi thay của xã hội, làm lồng chim lại trở thành nghề nuôi sống chúng tôi", anh Phúc tâm sự. Với nghề làm lồng chim đã mang lại thu nhập vài chục triệu đồng/ tháng cho gia đình anh.
Nghề làm lồng chim rất chuyên nghiệp. Cái mảnh đất cổ này không trồng ra được cây trúc, loại cây được dùng để làm lồng chim. Trúc làm lồng chim ở làng Vác chủ yếu được nhập từ công ty tre trúc Cao Bằng. Và rồi từ những nguyên liệu thô ấy đã biến thành những chiếc lồng chim tuyệt đẹp. Và các công đoạn làm lồng được "chuyên môn hóa". Anh Phúc chia sẻ: "Các chạm trổ sẽ do một bộ phận khác chuyên làm, muốn làm mềm hoặc uốn cong các chi tiết cũng sẽ phải đặt hàng một tổ chuyên trách. Tất cả đều là người trong làng".
| Chiếc lồng cho họa mi, có giá 15 triệu đồng. |
Làng Vác bây giờ không mấy ai còn gọi là "làng quạt giấy" nữa mà là "làng lồng chim". Tuy đã có sự thay da đổi thịt nhưng nói về quạt giấy người làng Vác vẫn cứ ngậm ngùi nuối tiếc. Ông Tú nói như tự an ủi chính trăn trở của mình: "Nói nghề làm quạt giấy đã biến mất cũng không đúng. Nó vẫn tồn tại. Nhưng trước sự phát triển của của cơ giới hóa, trước nhu cầu của con người đã đổi thay liệu có ai dám chắc chiếc quạt giấy vẫn trường tồn với thời gian. Thôi thì như một sự thay thế theo tự nhiên. Cũng tre trúc, cũng tỷ mỷ, cũng gần gũi với đời sống nông thôn, nghề làm lồng chim khác gì mấy làm quạt giấy". Đó cũng là trăn trở của nhiều người dân làng Vác. |
Theo: giadinh.net.vn