Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Lồng chim làng Vác

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm làng Vác thuộc thôn Canh Hoạch - xã Dân Hòa (Thanh Oai - Hà Nội) là “bản doanh” sản xuất lồng chim lớn nhất khu vực phía Bắc.
Chính từ nghề này, làng Vác đã có những “tỷ phú lồng chim” với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ những lồng chim đặc sắc nổi tiếng gần xa, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng sản xuất lồng chim lớn nhất khu vực phía Bắc

Có đến làng Vác mới được tận mắt chứng kiến sự tấp nập, hối hả của làng nghề, đập vào mắt chúng tôi là những dãy lồng chim xếp chen kín cả con đường đi vào UBND xã để chờ xuất hàng đi các tỉnh. Ông Hoàng Đình Thủy - Chủ tịch UBND xã Dân Hòa hồ hởi cho biết: “Cả xã có 4 thôn là Canh Hoạch, Vũ Lăng, Tiên Lữ, Phú Thọ với 2.340 hộ dân thì có đến hơn 800 hộ làm lồng chim. Trong đó, làng Vác thuộc thôn Canh Hoạch là phát triển nhất với hơn 600 hộ làm lồng chim. Thu nhập của mỗi hộ trung bình cũng đạt 8-10 triệu đồng/tháng. Trong những năm gần đây làng nghề sản xuất lồng chim Canh Hoạch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. Điển hình là cơ sở sản suất của anh Nguyễn Văn Sớm (thôn Tiên Lữ), anh Mai Văn Tính (thôn Canh Hoạch)...

Anh Nguyễn Văn Thanh - một trong những tỷ phú trẻ của làng cho biết, bố anh là người làm lồng chim đẹp nhất vùng. Theo anh Thanh, lồng chim làng Vác được nhiều người ưa thích vì đạt ba tiêu chuẩn: đẹp, bền, sang trọng. Để làm được một chiếc lồng chim phải qua rất nhiều công đoạn như: Chọn loại tre tốt tận vùng núi đá Hoà Bình mang về pha thành từng thanh, đem luộc để tăng độ dẻo, sau đó buộc từng bó rồi ngâm vào bùn đen một thời gian, vớt lên rửa sạch phơi khô, mang gác lên bếp cho ăn khói, khi làm lại phải ngâm vào nước vôi cho mềm rồi mới trẻ và vót nan, chuốt cho nhẵn mới đem ghép lồng...

Lồng chim có 2 loại. Loại hàng sản xuất đại trà làm đơn giản, giá thành vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một chiếc. Ngược lại, hàng kỹ - mỹ nghệ lại có giá rất cao, vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Với những lồng chim được đặt hàng đặc biệt, nghệ nhân sẽ phải chạm đủ tứ quý long, ly, quy, phụng hoặc chữ Hán... vào các đường vanh bao tròn quanh lồng, chạm hình rồng trên cầu chim đậu, chạm đốt tre trên móc treo... đòi hỏi tay nghề rất cao, chỉ chệch một đường dao là bao nhiêu công sức lại xuống sông xuống biển. Cũng theo anh Thanh, những chiếc lồng đặc biệt này, sau khi rời Vác sẽ được chu du tới phương trời xa xôi nào đó, dùng để trang trí cho những không gian sang trọng. Tư duy của giới trang trí nội thất đã khiến làng Vác cho ra đời những chiếc lồng rất lạ, có chiếc đường kính 40, 50cm nhưng cao tới 2m.

Lồng chim…xuất ngoại

Khi trao đổi về thị trường tiêu thụ lồng chim, ông Hoàng Đình Thủy- Chủ tịch UBND xã Dân Hòa tự hào khoe: “Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang trong tình trạng khó khăn, phải đóng cửa. Nhưng ngược lại, sản phẩm lồng chim vẫn tiêu thụ mạnh, thậm chí không có hàng để bán”. Tại thời điểm này, thị trường lồng chim làng Vác lúc nào cũng sôi động. Mỗi ngày có 20 - 30 xe ô tô đóng hàng trở đi các tỉnh với tổng doanh thu cả xã có thể đạt trên 1 tỷ đồng/ngày. Nhiều tư thương tận Quảng Ninh, Lạng Sơn, TP.HCM, Cà Mau… cũng tìm về làng Vác đặt hàng. Đại đa số các hộ trong làng đều coi kinh doanh lồng chim là nghề mang lại thu nhập chính với lợi nhuận cao.

Anh Nguyễn Văn Bình- Chủ nhiệm HTX Dân Hòa cho biết thêm: “Lồng chim làng Vác không chỉ cung cấp cho Hà Nội mà còn đưa vào trong Nam, thậm chí sang nước ngoài. Nhiều người yêu chim còn tìm về tận làng đặt lồng với giá hàng chục triệu đồng”.

Còn anh Nguyễn Huy Tuấn, một cơ sở sản xuất lồng chim kỹ - mỹ nghệ có uy tín lâu năm ở Làng Vác khẳng định: Hiện nay, lồng chim làng Vác đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và phần nào cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bởi sự sắc sảo của từng họa tiết trên thân lồng, cách uốn nắn chi tiết, tỉ mỉ của người thợ. Sản phẩm lồng chim của Trung Quốc được sản suất bằng công nghệ hiện đại nên có giá thành cao, hơn nữa mỗi chi tiết của lồng chim khi hỏng, gãy đều không thể thay thế được. Trái lại, với những sản phẩm lồng chim làng Vác bất cứ chi tiết nào khi hỏng, gãy đều có thể thay thế. Anh Tuấn khoe, năm nay gia đình anh xuất khẩu được gần 4.000 lồng chim trang trí. Chắc chắn anh sẽ tiếp tục sáng tạo, cải tiến mẫu mã mới lạ hơn nữa để chinh phục thị hiếu người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Ông Lê Hùng- Việt kiều tại Đức cho biết, người nước ngoài rất thích lồng chim trang trí thủ công của Việt Nam vì cách chơi họa tiết theo đúng tích, chủ yếu là các sử tích Trung Quốc như: Thập bát La Hán, bát tiên (8 ông tiên), cửu long chân châu (9 rồng cuộn), 108 vị anh hùng, vinh qui bái tổ được đánh giá cao tại Đức. Dù chỉ là chiếc lồng chim, nhưng các nghệ nhân đã để cả tâm huyết vào đó qua quá trình chạm trổ, uốn nắn tinh tế để trở thành những tác phẩm nghệ thuật vượt lên trên giá trị sử dụng được khách hàng từ nhiều nước đón nhận nồng nhiệt với các hợp đồng lớn, nhỏ từ 20 quốc gia như: Các nước Đông Âu, Canada, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp...

Làng nghề, làng du lịch

Cũng theo ông Hoàng Đình Thủy, lồng chim làng Vác không chỉ tạo dựng giá trị kinh tế mà còn là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Không chỉ những người chơi chim cảnh quanh vùng mà nhiều đại gia chơi chim cảnh sành sỏi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh… đã không quản đường sá xa xôi, đến chợ làng Vác mỗi dịp chợ phiên để thưởng thức các lồng chim đẹp. Anh Hà Huy Hùng –một khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chỉ đến chợ Vác tôi mới cảm nhận được cái đẹp của từng chiếc lồng chim. Những chiếc lồng chim chạm khắc tinh xảo của làng Vác theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước để phục vụ thú chơi chim cảnh tao nhã của người Việt”.

Làng Vác đã đón rất nhiều lượt khách du lịch quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến thăm, đặt hàng. Du khách thích thú xem từng động tác chẻ tre, uốn vòng tròn khung lồng cho đến lắp ghép thanh tre, giang dài vào khung, ghép cửa, ghép chân vào lồng. Mặc dù chưa vào quy hoạch để phát triển du lịch làng nghề nhưng làng Vác (Canh Hoạch) nằm ngay sát trục đường quốc lộ 22, nơi có tuyến du lịch Hà Nội - Chùa Hương và hàng loạt các làng nghề truyền thống lân cận (nón Chuông, đồ thờ Vũ Lăng, tăm hương Quảng Phú Cầu, mây tre đan Phú Túc...) đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Cuối năm, những hạt mưa nhỏ như báo hiệu sắp chuyển sang xuân. Những dòng người đi sắm Tết đang đổ về phía chợ Vác. Tôi đã cảm nhận được mùa xuân đang tràn về làng nghề đầy sức sống này!

Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét